Điểm đến
Chào mừng đến Hội An - Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Phố cổ Hội An tọa lạc dọc bờ duyên hải miền Trung Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bên bờ bắc của dòng sông Thu Bồn. Hội An là một ví dụ điển hình về một thương cảng nhỏ nơi diễn ra các hoạt động giao thương sầm uất thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Cho đến ngày hôm nay, nơi đây vẫn là một hải cảng và trung tâm thương mại thu hút khách trong và ngoài nước với nét quyến rũ và văn hóa truyền thống.
Thánh địa Mỹ Sơn
Thánh địa Mỹ Sơn tọa lạc trong một thung lũng kín có địa thế núi non hùng vĩ, thâm nghiêm. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp của nền văn minh Chămpa được kết tinh trong những di chứng vật chất trường tồn, chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được tạo lập trong một thời gian dài suốt 9 thế kỷ (từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII), được đánh giá ngang hàng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.
Thời gian và chiến tranh đã tàn phá di tích nặng nề. Nhưng những gì còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vài trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.
Nguồn: http://whc.unesco.org
VIEW ON MAP
Cù Lao Chàm
Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Bản đồ Tây-phương xưa thường ghi Cù lao Chàm với tên “Champello” lấy từ tiếng Nam-Ấn “Pulau Champa”. Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
Đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rặng san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và đưa vào danh sách bảo vệ..
Nguồn: http://www.unesco.org
VIEW ON MAP
Phố cổ Hội An
Hội An là một thị xã cổ của người Việt, nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía nam. Hội An từng được biết đến trên thương trường quốc tế với nhiều tên gọi khác nhau như Lâm Ấp, Faifo, Hoài Phố và Hội An.
Là một kiểu cảng thị truyền thống Đông Nam Á duy nhất ở Việt Nam, hiếm có trên thế giới, Hội An giữ được gần như nguyên vẹn hơn một nghìn di tích kiến trúc như phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ… Các kiến trúc vừa có sắc thái nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hoá với các nước phương Đông và phương Tây. Trải qua nhiều thế kỷ, những phong tục tập quán, nghi lễ, sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cũng như các món ăn truyền thống vẫn lưu giữ, bảo tồn cùng với bao thế hệ người dân phố cổ. Hội An còn có một môi trường thiên nhiên trong lành, êm ả với những làng nhỏ ngoại ô xinh xắn, có nghề thủ công như mộc, làm đồ đồng, gốm…
Nguồn: http://www.unesco.org
VIEW ON MAP
Làng gốm Thanh Hà
Nếu phương Bắc tự hào có gốm Phù Lãng, Bát Tràng thì làng gốm Thanh Hà chính là niềm kiêu hãnh của người dân xứ Quảng. Làng nghề có hơn 500 tuổi này nằm ven con sông Thu Bồn hiền hòa, thuộc địa bàn xã Cẩm Hà, cách khu đô thị cổ Hội An khoảng 1 km. Ngược về lịch sử, vào đầu thế kỷ XVI, cư dân vùng Thanh Hóa theo chân Chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp đã chọn vùng đất Thanh Hà ngày nay – nơi có nhiều đất sét để định cư, sinh sống bằng nghề gốm. Trong hai thế kỷ XVII và XVIII, các sản phẩm gốm của làng Thanh Hà đã tạo được uy tín trên thị trường lúc bấy giờ và trở thành một trong những mặt hàng chủ yếu cung cấp cho các thương gia khắp nơi đến giao thương tại phố cảng Hội An. Đặc biệt, Thanh Hà chính là nơi sản xuất và cung cấp gạch, ngói lợp cho các ngôi nhà cổ ở Hội An – nơi được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn hay núi Non Nước là tên chung của một danh thắng gồm 5 ngọn núi đá vôi nhô lên trên một bãi cát ven biển, trên một diện tích khoảng 2 km2, gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn (lớn, cao và đẹp nhất), Hỏa Sơn (có hai ngọn) và Thổ Sơn, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, ngay trên tuyến đường Đà Nẵng – Hội An; nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam.